Tòa án nhân dân tỉnh An Giang
  • TRANG CHỦ
New Page 3
QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH TAND TỈNH AN GIANG

      I. NGÀNH TAND TỈNH AN GIANG, GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1976 ĐẾN NĂM 1996 :

      Tháng 02 năm 1976, thực hiện Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị ngày 20/12/1975 và Nghị định của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, về việc giải thể Khu, điều chỉnh, hợp nhất tỉnh ở Miền Nam, hợp nhất tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà tái lập tỉnh An Giang.
      Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, trước những yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, đến ngày 16 tháng 4 năm 1976, ngành TAND tỉnh An Giang chính thức được thành lập để thực hiện chức năng xét xử các loại án theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
      Ngay từ khi mới thành lập với biên chế gồm 29 cán bộ, nhân viên, trong đó có chánh án, 1 phó chánh án và 1 thẩm phán, từng bước đi vào hoạt động trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, trụ sở Tòa án đang xuống cấp nghiêm trọng do được tiếp quản từ trụ sở Tòa án của ngụy quyền mà Pháp xây dựng cách đây gần 100 năm. Với đội ngũ thẩm phán, thư ký Tòa án lúc bấy giờ chưa được đào tạo qua trường lớp; phần lớn là cán bộ từ ngành khác chuyển đến, nên còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, từng cán bộ, công chức của ngành Tòa án tỉnh An Giang đã không ngừng nỗ lực tự tìm tòi, học hỏi để trau dồi kiến thức pháp luật, kỹ năng xét xử, bản lĩnh chính trị để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ mới.
      Điểm lại những hoạt động nổi bật của ngành trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã kịp thời đưa ra xét xử một số cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất có hành vi vi phạm chế độ, chính sách, gây thất thoát, tham ô tài sản của Nhà nước, điển hình là các vụ án ở Ty Lâm nghiệp, Ty Lương thực, Phòng Thương nghiệp huyện Phú Châu, Công ty vật tư tổng hợp An Giang…
      Thông qua các phiên tòa hình sự, ngành Tòa án tỉnh An Giang đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, bọn phản động bên ngoài cấu kết với các phần tử bất mãn bên trong, gây ra hàng loạt các vụ án hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân với nhiều tên gọi khác nhau như: Vụ Sư đoàn 5 Thăng Long, vụ Hà Văn Sáng cùng đồng bọn âm mưu lật đổ chính quyền với tên gọi “Mặt trận tự do cứu quốc”, vụ án Cao Đài với tên gọi “Mặt trận cứu nguy dân tộc” do Lý Công Cường cầm đầu…

      II. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA TAND HAI CẤP TỈNH AN GIANG, GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 1996 ĐẾN NĂM 2016 :

      Giai đoạn này, Đảng và Nhà nước tiếp tục lãnh đạo đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện. Cùng với sự nỗ lực chung của các cấp các ngành thực hiện mục tiêu ấy, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh An Giang có nhiều nỗ lực, từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh công tác xét xử với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao cả về số lượng và chất lượng giải quyết các loại án góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà.
      Tòa án nhân dân tỉnh An giang đã đưa ra xét xử nhiều vụ án đặc biệt nghiệm trọng, phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận như: Vụ tham ô tài sản ở Công ty Lương thực An Giang; vụ Phùng Đức Thịnh và đồng bọn phạm tội tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy; vụ Tim Sa Khon cùng đồng bọn phạm tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” (xét xử vào năm 2007); vụ Néang Don cùng đồng bọn phạm tội “Gây rối trật tự công cộng", “Cố ý làm hư hỏng tài sản” (đã xét xử vào năm 2009). Trong xét xử án hình sự, đã bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đối với những vụ án hình sự trọng điểm mà dư luận quan tâm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nhưng Tòa án nhân dân hai cấp đã tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, kịp thời đưa ra xét xử lưu động, qua đó đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
      Đối với công tác xét xử, giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, hành chính… Do thực hiện tốt công tác chuẩn bị ngay từ giai đoạn thụ lý, thu thập chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, đến việc áp dụng đúng quy định của pháp luật về hình thức và nội dung. Mặt khác, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân hằng năm đều được tập huấn nghiệp vụ, tham dự Hội thảo chuyên đề để nâng cao chất lượng xét xử, được trang bị kịp thời các văn bản pháp luật mới… nên việc xét xử luôn đảm bảo đúng trình tự, thời hạn, thủ tục luật định, góp phần khắc phục tình trạng án quá hạn; chất lượng giải quyết các loại án ngày càng được nâng lên đáng kể, tỷ lệ án bị sửa, hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán được hạn chế rõ nét.
      Sau gần 40 năm xây dựng, ngành TAND tỉnh An Giang đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó. Hệ thống tổ chức của ngành ngày càng được củng cố và kiện toàn gồm có Tòa án tỉnh và 11 Tòa án huyện, thị, thành với 297 biên chế được phân bổ. Trong đó, biên chế thẩm phán Tòa án tỉnh là 27, biên chế thẩm phán Tòa án cấp huyện là 108. Số lượng hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 là 317 vị (cấp tỉnh là 39 vị). Công tác tổ chức cán bộ luôn được lãnh đạo Tòa án quan tâm, nên về trình độ chuyên môn, tất cả các thẩm phán và phần lớn thư ký Tòa án đều có trình độ cử nhân luật, trong đó có 12 thạc sĩ luật; về chính trị thì hầu hết đội ngũ thẩm phán trong toàn ngành đều qua các lớp từ trung, cao cấp đến cử nhân chính trị.

Tòa án nhân dân tỉnh An Giang