Thực hiện Quy chế phối hợp số 1331/QCPH-VKS-TA ngày 27/3/2018 về việc tổ chức phiên tóa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh An Giang, ngày 27/4/2018, TAND tỉnh An Giang phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tiến hành họp đóng góp ý kiến đối với phiên tòa ngày 24/4/2017 xét xử rút kinh nghiệm vụ án hành chính “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai về việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, giữa Người khởi kiện: Ông Nguyễn Văn Be, sinh năm 1933 với người bị kiện: Ủy ban nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bao gồm:ông Nguyễn Văn Tỉnh, Ông Nguyễn Văn Quận và Ông Nguyễn Văn Dũng.
Toàn cảnh phiên họp
Đồng chủ trì phiên họp có Ông La Hồng, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Ông Trần Văn Thìn, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Ngoài ra, còn có sự tham dự của người tiến hành tố tụng trong vụ án.
Theo nội dung vụ án: vợ chồng ông Be có diện tích đất 2.194,8m2 được UBND huyện An Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02290QSDĐ/eL ngày 21/01/2002 , trên đất có nhà vợ chồng ông, nhà của con ông là Nguyễn Văn Quận, Nguyễn Văn Tỉnh và cây trồng trên đất. Năm 2010, ông Tỉnh tranh chấp ranh đất với ông Buôl, nên có mượn giấy đất của Be để đối chiếu, nhưng Tỉnh đã lợi dụng lòng tin của ông Be để giả mạo chữ ký của vợ chồng ông Be làm hợp đồng tặng cho QSDĐ và Tỉnh đã được UBND huyện An Phú cấp 02 giấy chứng nhận QSDĐ số BD 114806 ngày 21/9/2010 với diện tích 1.186,1m2 loại đất trồng lúa và giấy chứng nhận QSDĐ số BD 114807 ngày 21/9/2010, diện tích 600m2 loại đất ở nông thôn và 408,7m2 đất trồng cây lâu năm, nên ông Be yêu cầu Tòa án hủy hai giấy chứng nhận QSD đất này.
Ông La Hồng (bìa trái), Chánh án TAND tỉnh An Giang
phát biểu tại phiên họp
Kết thúc phiên tòa ngày 24/4/2017, HĐXX TAND tỉnh An Giang do Thẩm phán Lưu Hữu Giàu làm chủ tọa đã tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện hủy hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên của UBND huyện An Phú. Đây là phiên tòa mẫu rút kinh nghiệm thực hiện theo hướng dẫn số 136/HD-TANDTC, ngày 30/3/2017 của Chánh án TANDTC về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp.
Đại diện VKS tỉnh phát biểu tại phiên họp
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên tham dự phiên họp, ông La Hồng, Chánh án TAND tỉnh An Giang phát biểu kết luận cho rằng việc điều hành phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa trong suốt quá trình từ khi khai mạc phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, đặc biệt là việc điều hành tranh tụng theo đúng quy định của pháp luật tố tụng. Hội đồng xét xử luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cũng như lời trình bày của người khởi kiện, người bị kiện và người tham gia tố tụng khác. Hội đồng xét xử chủ động nêu vấn đề để các bên tranh luận, làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Đại diện Viện kiểm cũng đã tích cực tham gia hỏi để làm rõ các tình tiết, chứng cứ làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật. Quyền và nghĩa vụ tố tụng những người tham gia tố tụng được đảm bảo theo quy định của pháp luật tố tụng. Tuy nhiên, đồng chí Chánh án La Hồng cũng nêu lên một số vấn đề cần rút kinh nghiệm thông qua phiên tòa là: chủ tọa cần chuẩn bị kỹ kế hoạch hỏi tại phiên tòa, dự liệu những tình huống có thể phát sinh, trong phiên tòa cần có sự phối hợp, hỗ trợ hỏi lẫn nhau giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử (Hội thẩm nhân dân), không nên để Hội thẩm nhân dân bị rơi vào tình trạng bị động tại phiên tòa. Khi có sự vắng mặt của người tham gia tố tụng, cần có sự hội ý nhanh trong Hội đồng xét xử để quyết định xét xử hay phải hoãn phiên tòa, hạn chế thấp nhất câu hỏi có không tại phiên tòa, mà cần sử dụng những câu hỏi mở để làm rõ nội dung vụ án; khi hỏi tránh việc thể hiện quan điểm làm cho các đương sự, người tham gia tố tụng thấy được đường lối giải quyết vụ án trước khi tuyên án. Đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cần rút kinh nghiệm trong việc trình bày phát biểu, không nên nhìn vào để đọc mà cần phải trình bày bằng hình thức không nhìn, hoặc hạn chế việc nhìn đọc, như vậy sẽ thuyết phục hơn, không làm cho các đương sự có cảm giác là quan điểm đã được chuẩn bị từ trước…
Mục đích của việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm là góp phầnnâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được coi là giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp.